KINH NGHIỆM KHI ĐI KHÁM BỆNH

KINH NGHIỆM GỬI BỆNH NHÂN! 
Mình ngồi phòng khám cũng lâu, nên có một số điều này nhắn nhủ các bạn nếu có cần phải đi khám cho con hoặc mình, để giúp việc thăm khám hiệu quả hơn nhé!

1. Đừng giấu bệnh sử hoặc toa thuốc của bệnh đến phút cuối! Bạn đừng giả bộ như đi khám bác sĩ lần đầu tiên mặc dù đã điều trị qua (rất) nhiều nơi hoặc (rất) nhiều lần. Vì bệnh sử và các thuốc uống trước đó rất quan trọng trong việc đánh giá bệnh của bác sĩ. Nếu bác sĩ khám rồi, ra quyết định tư vấn rồi, sau đó bạn đá sân phút 89, nói thiệt ra là….., thì thật sự rất u phiền, vì mọi thứ có thể hoàn toàn khác hẳn! Và rất mất thời gian, chưa kể là cảm xúc của nhau. Các thuốc đã và đang điều trị có thể rất quan trọng trong diễn tiến của bệnh, cũng như trong chẩn đoán!

2. Đừng bắt bác sĩ nói những gì bạn mong muốn! Khi đi khám, bạn cần nhất không phải là nghe những gì bạn thích nghe, mà là nghe đánh giá riêng khách quan của bác sĩ là gì. Nếu thấy có ý kiến khác, không giống mong đợi, có thể nhờ bác sĩ giải thích thêm. Nếu thấy không thuyết phục, bên ngoài có đầy bác sĩ, bạn có thể tham khảo ý kiến thứ 2, thứ 3, thứ…n cũng được. Đừng cố gắng bẻ ý kiến của bác sĩ để giống mong đợi bạn, vì như vậy bạn tốn tiền xe, tống công đợi, tốn thời gian của mình để làm gì?

3. Đừng yêu cầu bác sĩ biện hộ, giải thích những gì bạn được nghe, được tư vấn từ những bác sĩ trước, từ hàng xóm láng giềng, hoặc từ ông bà cha mẹ! Đừng hỏi “tại sao bác sĩ trước nói vầy mà bác sĩ lại nói vầy”. Buổi khám bệnh là một buổi đánh giá bệnh lý và tư vấn từ từng bác sĩ, với kinh nghiệm điều trị, kiến thức y khoa, và cả niềm tin văn hóa cũng khác nhau. Thay vì hỏi “sao hôm trước con em đi khám lại được nói khác, giờ bác sĩ nói khác”, hãy hỏi “em nghe nói là…..như vậy bác sĩ thấy sao?”. Bác sĩ không phải nhu nhược không chỉ ra cái sai hay đúng của đồng nghiệp, không phải là bảo vệ nhóm loài hoặc không tự tin bản thân, mà là vì bệnh lý rất nhiều khi khá tréo ngoe, vài tiếng, vài ngày đã có thể diễn tiến khác đi, không thể nào tự tin nói những gì mình không có mặt để đánh giá được.

4. Nên chuẩn bị xem mình muốn được kiểm tra gì, hỏi gì cho con/ mình, và nếu được, ghi vào note trong điện thoại để khi hỏi bệnh và khám bệnh sẽ liên tục và thoải mái. Không nên khám xong cái này, thì a quên, bác sĩ kiểm tra dùm em cái kia, xong cái kia vừa rửa tay xong, thì lại, quên mất, còn cái này nữa….Nếu có thời gian thoải mái thì không phiền hà gì cả, nhưng mà cảm giác cuộc khám bệnh cứ cà giật cà giật thì cũng không hay, nếu bệnh ngồi chờ bên ngoài đông đúc, thì người bác sĩ cũng có phần hơi áp lực!

5. Nếu có khám dinh dưỡng hay tăng trưởng, nên chuẩn bị sẵn nhật kí ăn uống của con trong ít nhất 24 tiếng, hoặc lý tưởng là 72 tiếng, vì bạn nhớ mại mại, rồi yêu cầu bác sĩ tư vấn chính xác, thì hơi không thiết thực. Khám tăng trưởng thì nên chuẩn bị ít nhất vài số đo cân nặng chiều cao từ nhỏ của con, tiện nhất là mang quyển chích ngừa theo, nhất là nếu bạn lần đầu đi khám tại cơ sở đó. Nếu là bệnh nhân thường xuyên, thì chắc không vấn đề gì.

6. Đừng ngại khi bạn đi khám ở nơi khác rồi mới khám nơi này, sợ bác sĩ không thích. Việc chọn chỗ khám tiện lợi, hoặc khi cấp cứu…cho con là một chuyện bình thường. Đó là quyền của bạn. Tuy nhiên, cũng nên nhớ là bác sĩ chỉ tư vấn cho bạn được dựa trên đánh giá bệnh nhân tại thời điểm thăm khám, và bệnh sử cũng rất quan trọng để hỗ trợ tìm kiếm chẩn đoán nghi ngờ nhất.

7. Đừng hối các nhân viên phải cho con bạn/ bạn khám nhanh. Đừng to tiếng vì việc này làm trì hoãn thêm quá trình thu xếp và thăm khám của nơi khám bệnh. Việc khám bệnh không giống như qui trình sản xuất tự động, đúng 5-10 phút là đá bệnh nhân ra khỏi cửa. Có những ca bệnh đơn giản, khám nhanh, đó là may mắn của bệnh nhân cũng như bác sĩ. Có những ca bệnh phức tạp, phải khám lâu, tham vấn lâu, hoặc phải thăm khám lại vài lần, đó là sự không may mắn của bệnh nhân và bác sĩ cũng không mong muốn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu bạn hoặc con bạn lỡ bị phức tạp, bạn có muốn bác sĩ khám đúng đủ giờ rồi thôi hay không? San sẻ cho nhau là chuyện nên nghĩ đến.

8. Nếu đã đặt hẹn, mà vì lý do gì đó không đến được, đừng ngại gọi lại hủy hẹn. Khi bạn gọi hủy hẹn, bạn hỗ trợ cho phòng khám vì biết được rõ ràng bệnh nhân đến hay không để đặt hẹn cho bệnh nhân cần thiết. Bạn giúp nơi khám bệnh duy trì được để chạy hiệu quả hơn. Đó cũng là một cách nghĩ cho nhau đấy!

9. Niềm tin, là một thứ hơi xa xỉ, nhưng thật ra lại rất cần thiết trong y khoa. Có những thứ gọi là kiên trì cùng nhau đi đến đích. Có những thứ gọi là điều trị triệu chứng để thõa mãn người nhà! Bạn thật ra, muốn thõa mãn bản thân tức thời, hay muốn điều trị bệnh thật sự?! Nếu không tin tưởng, thật sự không cần tiếp tục. Nhưng nếu như đã muốn tiếp tục, thì nên tin tưởng để hợp tác thật tốt. Còn muốn tỏ tường hơn, thì dĩ nhiên nên ngồi xuống với nhau mà hỏi trong tôn trọng!

P.S. Thật ra mình vẫn thấy mình rất may mắn, vì bệnh nhân và gia đình mình gặp rất rất tốt, thật sự không đòi hỏi gì hơn. Mình chỉ chia sẻ một ít ý kiến chủ quan, để hy vọng các bạn đi khám bệnh vui hơn và hiệu quả hơn thôi nhé.
Luv,
TG – Bs. Trần Thị Huyên Thảo




XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT
THÁNH CHỮA UNG THƯ - Vital Enzymes
CÁCH ĐO VÒNG ĐẦU Ở TRẺ EM
CHẤN THƯƠNG ĐẦU Ở TRẺ – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
Ghép Tế bào gốc tạo máu/tủy trong ung thư – huyết học
Tự kỷ là gì? Rối loạn phổ tự kỷ là dạng khuyết tật phát triển phức tạp
Nguyên nhân cách điều trị Bệnh chân tay miệng cho trẻ nhỏ


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN
Chuyện gì xảy ra nếu tiêm tế bào ung thư của người này vào người khác?
“Ung thư” là gì và tại sao chúng ta gọi nó là ung thư?
Ăn uống có chữa được ung thư?
Một số cách hiệu quả nhất để chống lại trầm cảm là gì?
Những quan niệm sai lầm nhất về trầm cảm là gì?
Say xe là gì? Cách phòng chống say xe, tránh giảm say tàu xe