Say xe là gì? Cách phòng chống say xe, tránh giảm say tàu xe

SAY XE LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN GÂY SAY XE

Mùa hè là mùa du lịch, và phương tiện đi lại chủ yếu của chúng mình vẫn là tàu, xe. Nằm ở nhà vắt chân lên trán tưởng tượng cảnh Nha Chang, Đà Nạt thì rất thích nhưng nghĩ đến cái ô tô thôi là đã thấy buồn nôn.

Say xe làm chuyến đi mất đi 90% hứng khởi. Hôm nay Anh Ba biên về say xe cho quý anh chị rảnh rỗi đọc để biết nó từ đâu đến.

Não bộ của chúng mình là Bộ Tổng chỉ huy của cơ thể. Não có vai trò rất quan trọng trong duy trì sự thống nhất của hệ thần kinh và mô não là mô nhạy cảm nhất khi bị thiếu oxy. Trong thực tế, chỉ cần thiếu oxy khoảng 5 phút là mô não bị chết vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Đó là lý do sau tai biến mạch máu não, nếu bệnh nhân còn sống thì một số bộ phận trong cơ thể ly khai tự trị luôn, không điều khiển được nữa.

Quay lại chuyện say xe, khi chúng mình leo lên tàu xe. Não lúc này bắt đầu đánh hơi thấy sự khác lạ. Khi chúng mình đi, chạy bộ thì não dường như cảm nhận hết các hoạt động qua giác quan. Nhưng khi ngồi trên xe (với những người ít đi tàu xe) thì não lại chưa quen với việc ấy. Cơ thể chúng ta lúc này di chuyển, cục cảm biến chuyển động của cơ thể mang tên TIỀN ĐÌNH (Anh Ba đã có bài biên về nó) bị rung lắc báo về não sự di chuyển này.

Tuy nhiên, cả cơ thể lại ngồi yên, tay chân không vận động, các giác quan khác lại báo về não là “Thằng tiền đình nó nói láo đó, cơ thể không có đi đâu hết, đang ngồi yên một chỗ đây này”. Đó là lý do vì sao ngồi trong xe gần cửa sổ, hoặc trực tiếp lái xe nó đỡ say xe (vì mắt báo về não là đang di chuyển) hơn là cắm mặt vào điện thoại hoặc đọc sách.

Não bắt đầu thấy rối “Bọn giác quan vô dụng chúng mày làm ăn thế à, thế tóm lại là cơ thể đang tĩnh hay đang động?” Một câu hỏi lớn không lời đáp.

Mớ thông tin hỗn độn ấy làm não cảm nhận được sự nghiêm trọng “Hay là cơ thể bị trúng độc rồi, chỉ có trúng độc thì các bộ phận mới nhiễu loạn thông tin”

Nếu trúng độc thì cơ thể phải có cơ chế tự giải độc và thế là hành vi ÓI sml được não lựa chọn để cứu nguy.

Say xe hình thành từ lý do rất vớ vẩn như thế đó.

CÁCH PHÒNG CHỐNG SAY XE

Say tàu xe có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng những người sẵn bị thiểu năng tuần hoàn não, bình thường hay đau nặng đầu, hoa mắt chóng mặt, ngủ kém, hay đổ mồ hôi trộm, thể chất yếu thì thường dính say xe ác liệt hơn người khoẻ mạnh.

Trước chuyến đi mà mất ngủ, bụng quá đói hoặc quá no, đang cáu chuyện gì đó, ngồi gần thằng mồm thối nhưng thích nói thầm, chân thối nhưng thích cởi giầy, nách thối nhưng thích đưa tay phát biểu… thì dù khoẻ mạnh như trâu vẫn bị say xe như thường.

Căn cứ theo cơ chế Anh Ba nêu trên, để TRÁNH và GIẢM NHẸ say tàu xe thì bản thân cơ thể phải thật sự khoẻ mạnh, đừng để mất ngủ và say rượu bia trước khi di chuyển đường dài bằng tàu xe, nếu bình thường thiếu máu não thì nên khám và điều trị lâu dài (cái này không đùa được).

Khi ngồi trên tàu xe thì xin phép anh tài xế cho em ngồi phía trước, hướng cùng chiều tàu xe chạy, đã say mà còn ngồi ngược nữa thì não đỡ không nổi. Đừng đọc sách, báo, nhắn tin, check Facebook trên xe, cố gắng nhìn ra cửa sổ nơi có núi đồi, đồng lúa bao la… đừng nhìn những cảnh vật sát cửa sổ xe dễ gây chóng mặt.

Càng say xe thì càng dũng cảm với nó, triệu chứng sẽ giảm dần.

CÓ NÊN UỐNG THUỐC SAY XE?

Như trên Anh Ba đã nói, việc ói là cơ chế lành mạnh của cơ thể để kháng “độc”. Say xe không phải là “bệnh” và thuốc chống say xe không phải muốn uống là tự tiện mua uống vì cơ chế nó khác nhau, kể cả miếng dán cũng là thuốc – đừng nghĩ dán ngoài da thì nó ít tác động đến cơ thể.

Cơ chế các thuốc này thường là:
Kháng cholinergic (phó giao cảm): Khi cái anh “phó giao cảm” này cường lên thì cơ thể bị kích thích ói mửa, thuốc này có tác dụng kiềm toả cái đó. Cái này có dạng UỐNG và DÁN, tác dụng phụ là mất phương hướng, mất trí tạm thời (hiếm). Vì thế không dùng cho con nít.

Kháng Histamin (chống dị ứng): Histamin tiết ra quá mức sẽ gây say, nôn nên cơ chế thuốc này là kháng lại nó. Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già. Thuốc say xe khi mua mà dược sĩ dặn “uống trước 30p rồi lên xe” chính là thuốc này.

Ngoài ta còn có thuốc điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa… cơ chế thì tương tự thôi. Tất cả đều xử lý cái ngọn là giảm ói, còn những gì diễn ra bên trong cơ thể vẫn là thế. Thuốc khiến cơ thể chống lại lệnh “Ói” của não nên giảm hiện tượng nôn, ói và chúng mình hiểu lầm là Chống được say xe.

Nếu siêng tí thì dùng các sản phẩm có tinh dầu thơm để lấn át mùi khó chịu như: gừng tươi, vỏ cam chanh… cái này tốt, ít hại cho cơ thể. Ngoài ra đông y còn có bấm huyệt các thứ nhưng nói thật anh chị nào không rành thì đừng thử. Bấm linh tinh rồi cứ ngồi chăm chăm nhìn vào các huyệt đạo thì lại say sml thôi.

Lời khuyên là hạn chế thấp nhất việc dùng các chế phẩm thuốc chống nôn ói khi đi tàu xe, nếu có thì nên dùng các sản phẩm tự nhiên để phần nào giải toả tâm lý, dễ chịu hơn khi đi.

Đừng sợ nó, cần ói thì cứ dừng xe lại ói cho đã rồi đi tiếp. Đến trạm thì ăn uống cho khoẻ, dũng cảm chiến thắng cơn say xe, vài lần sẽ thấy hiệu quả. Cố gắng đừng ói trên xe, mùi nó vương vấn lại thì cả xe gọi Huệ ơi luôn.

Tâm lý quan trọng lắm, đừng mất bình tĩnh trước mỗi chuyến đi. Giữ sức khoẻ thật tốt và chiến đấu với nó tới cùng vì một hành trình hạnh phúc.

Chúc quý bạn một mùa hè vui vẻ và tag đứa bạn ml hay say xe vào đây.

TG – BS Nguyen Khanh




XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT
THÁNH CHỮA UNG THƯ - Vital Enzymes
CÁCH ĐO VÒNG ĐẦU Ở TRẺ EM
CHẤN THƯƠNG ĐẦU Ở TRẺ – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
Ghép Tế bào gốc tạo máu/tủy trong ung thư – huyết học
Tự kỷ là gì? Rối loạn phổ tự kỷ là dạng khuyết tật phát triển phức tạp
Nguyên nhân cách điều trị Bệnh chân tay miệng cho trẻ nhỏ


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN
Chuyện gì xảy ra nếu tiêm tế bào ung thư của người này vào người khác?
“Ung thư” là gì và tại sao chúng ta gọi nó là ung thư?
Ăn uống có chữa được ung thư?
Một số cách hiệu quả nhất để chống lại trầm cảm là gì?
Những quan niệm sai lầm nhất về trầm cảm là gì?
Keo ong là gì? keo ong úc ORGANIC PROPOLIS có tốt không