Đừng bao giờ xem thường bài báo cáo công việc

Đừng bao giờ xem thường bài báo cáo

Trong công sở, luôn có một dạng nhân viên năng lực tốt nhưng rất ngại trình bày về những thành quả của mình, không bao giờ kể về những gì mình đã nỗ lực để đạt được trong suốt cả một quãng thời gian. Chúng mình luôn tưởng rằng đó là một tính tốt vì đinh ninh miễn làm tốt công việc là được, chả cần kể hay báo cáo với ai. Thậm chí tiêu cực tới mức, nhiều em còn cho rằng việc báo cáo thành tích là chuyện dở hơi của những đứa háo danh. Nếu sếp tốt và biết dùng người tự động sếp phải nhận ra điều đó chứ không cần phải kể lể.
Thật ra, cuộc đời thực nó khác với sách ngôn tình hay trên tiktok. Sẽ chẳng có ông sếp, bà sếp nào đứng từ xa quan sát xem em cống hiến ra sao, lặng lẽ đứng sau lưng xem em tận tụy thế nào để rồi hiểu tận tường những gì em đóng góp cho công ty, tổ chức. Nói cách khác, nếu em không nói cho mọi người nghe thì việc em làm sẽ trở nên vô nghĩa.
Đến đây em lại nói rằng “Thôi anh ơi, tôi làm việc là vì công việc, tôi cần gì thể hiện với ai và tôi cũng chả có nhu cầu được ghi nhận”. Những em nói ra câu này, Anh Ba tin rằng đa phần còn rất trẻ. Đối với những người quá trẻ thì thế giới quan của các em chỉ có đúng – sai, được – mất. Rằng một người không tốt thì chắc chắn phải là người xấu và một việc không đúng thì chắc chắn phải là điều sai. 
Chốn công sở thì không đơn giản như thế.
Việc em làm tốt chuyên môn của mình và lan tỏa điều ấy không có nghĩa em là người háo danh và ngược lại việc em không biết cách thể hiện những thành quả của mình không có nghĩa em là người thiện lương, khiêm tốn.
Cái chúng ta cần là sự khác biệt của em trong đám đông để sếp em – người trả tiền hàng tháng thuê em làm việc cho họ phải thấy rằng đồng tiền họ bỏ ra là xứng đáng, thậm chí là chưa tương xứng, phải tăng thêm nữa để giữ chân em.
Ngoài những trường hợp nhờ quan hệ xã hội để được gửi gắm thì đa phần chúng ta đều là những kẻ tha phương cầu thực, bám trụ nơi thành phố phồn hoa này làm gì nếu không phải để kiếm sống và tạo dựng sự nghiệp trong đời?
Bất cứ môi trường nào cũng có sự thanh lọc định kỳ và nếu em thể hiện được rằng việc sử dụng em là nhân viên thực sự là một điều sáng suốt nhất mà bộ phận nhân sự cũng như lãnh đạo công ty đã làm thì chúc mừng em, em đã định vị được mình trong rất nhiều gương mặt na ná giống em trong cái tập thể này. Đừng cứng đầu và tỏ ra bất cần, làm gì có ai trên đời này không cần một điều gì đó hả em? 
Em book một chuyến xe ôm công nghệ hay là một chuyến bay xuyên lục địa, thì với tư cách là khách hàng - quyền của em là được biết tên của tài xế, phi công, đoạn đường sẽ đi qua và những gì dịch vụ này mang lại trên cả hành trình. Đúng không?
Tương tự như vậy, sếp của em được quyền định kỳ hoặc đột xuất để biết về những gì em làm khi họ bỏ tiền thuê em. Trách nhiệm của những người nhân viên như chúng ta ngoài việc làm tốt nhất có thể thì còn phải trình bày tốt nhất có thể về những việc mình đã làm. Nếu những gì ta làm là tốt, ta có quyền kể về nó kỹ càng hơn.
Hãy nhìn cách người mẹ kể về hành trình tập nói của đứa con mình. Xem cách một nhà sáng lập giới thiệu về mẫu điện thoại vừa ra mắt. Hoặc xem cách một nhà thơ nói về bài thơ mình mới xúc động làm ra... em sẽ hiểu thế nào là tự hào. 
Nếu em không tự hào, say mê khi kể về thành quả, tức là em không hề yêu công việc của mình, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn, có thể tình yêu của em chưa đủ lớn.
Một lý do lớn và thường gặp nữa là khả năng trình bày của em kém nên thường phải nhường nhiệm vụ thuyết trình cho đứa nhanh mồm hơn trong team. Điều này về lâu dài sẽ rất bất lợi cho em, hãy rèn luyện kỹ năng nói một cách nghiêm túc vì nó không có gì là xấu cả. Khi em tự tin nói trước nhiều người về kiến thức của mình thì khi đó em sẽ trở nên bất khả chiến bại trong bất cứ dự án lớn nhỏ về sau.
Chỉ có sếp phiên bản tiktok hoặc kiểu ngôn tình phim Hàn Quốc mới có thời gian để hướng dẫn cô nhân viên ngơ ngơ ngác ngác làm quen với công việc, rồi lén quan sát cô ấy trưởng thành để bất ngờ khen thưởng trong cuộc họp tổng công ty... Chứ ngoài đời thật sếp bận lắm, ngay cả việc xin họ mấy phút để trình bày cũng trở nên rất khó khăn vì thế hãy tranh thủ nhiều nhất cơ hội được nói với họ về công việc của mình. 
Không ai có thời gian để quan sát em ngoài đời cũng như đọc status buồn sầu của em trên mạng vì ai cũng bận post bài viết của đời mình.
Đừng che giấu sự nhút nhát, kém cỏi của mình bằng mỹ từ khiêm tốn nữa. Khi em chân thành, kiên trì phát ra tín hiệu thì một lúc nào đó người cần nghe sẽ lắng nghe. 
Và khi em cùng tần số sóng âm với quý nhân... sự nghiệp của em chắc chắn sẽ công thành.
TG - ​Anh Ba Sài Gòn



XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT
Ví dụ về chiêu trò marketing bẩn là gì?
Marketing dựa trên sự sợ hãi - Đòn tâm lý gây tranh cãi
TRANSFERABLE SKILLS - KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI LÀ GÌ? TẠI SAO NHÓM KỸ NĂNG NÀY LẠI NGÀY MỘT QUAN TRỌNG?
Những đặc thù của ngành thời trang khi làm truyền thông
Những Ưu và Nhược điểm của đồng Dogecoin là gì?
Ứng xử với đồng nghiệp lớn tuổi


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN
6 Bước cơ bản để tham gia chơi Game NFT
Làm thế nào để viết case study về dự án cho Portfolio của bạn
Ứng xử với đồng nghiệp lớn tuổi
Những Ưu và Nhược điểm của đồng Dogecoin là gì?
Những đặc thù của ngành thời trang khi làm truyền thông
TRANSFERABLE SKILLS - KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI LÀ GÌ? TẠI SAO NHÓM KỸ NĂNG NÀY LẠI NGÀY MỘT QUAN TRỌNG?